Kính thưa các bậc phụ huynh thân mến!
Năm học 2023-2024 đã trải qua được 2/3 chặng đường. Một năm học được thực hiện với chủ đề “Xây dựng trường mầm non hạnh phúc, tôn trọng quyền trẻ em” tập thể CB-GV-NV trường MN Nam Hưng thật sự rất tâm huyết với chủ đề này bởi “Hạnh phúc của trẻ là thành công của cô”.
Ngay từ những ngày đầu chuẩn bị cho năm học 2023-2024 nhà trược đã xác định nhiệm vụ tiên quyết để mang lại niềm hạnh phúc cho trẻ đó là tạo cho trẻ một môi trường hoạt động an toàn và thân thiện. Sự an toàn của trẻ là niềm hạnh phúc lớn lao của gia đình- nhà trường và xã hội.
Vậy là nhiệm vụ làm tốt công tác “phòng chống tai nạn thương tích trong trường mầm non Nam Hưng” được nhà trường đặt lên hàng đầu. Bởi những tai nạn thương tích là một trong những nguyên nhân dẫn đến tử vong và gây ra những biến chứng trầm trọng cho trẻ, vì vậy việc bảo đảm an toàn, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ là nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. tai nạn thương tích đối với trẻ em là nguyên nhân hàng đầu để lại những di chứng, những mất mát, tổn thương suốt đời cho trẻ.Tai nạn thương tích thường xảy ra bất ngờ, mà hậu quả lại rất khó lường gây ra những thương tổn trên cơ thể người và có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi nhất là ở lứa tuổi học sinh mầm non. Vì trẻ ở lứa tuổi mầm non thường hiếu động, thích tò mò, nghịch ngợm và chưa có kiến thức, kỹ năng phòng, tránh nên rất dễ bị tai nạn thương tích. Vì vậy để hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích cho trẻ, trường MN Nam Hưng đã tìm ra các biện pháp phòng tránh như sau:
I. Trước tiên cần phân loại các loại tai nạn thương tích thường gặp đối với trẻ mầm non:
1. Các tai nạn do ngã:
Chủ yếu trẻ ngã do trơn trựơt, vấp ngã do đường đi mấp mô và thường xảy ra ở nơi vui chơi
2. Đuối nước:
Do trẻ bị ngã vào xô, chậu có nước, bị ngã khi đến gần ao hồ, khi đi tắm, bơi ở những nơi có nguồn nước không đảm bảo vệ sinh, những khu vực nguy hiểm... là nguyên nhân dẫn tới trẻ bị đuối nước…
3. Các tai nạn do ngộ độc:
Chủ yếu do ngộ độc thực phẩm, ăn phải quả độc, thức ăn có dược phẩm độc hại, do uống nhầm thuốc…
4. Tai nạn thương tích gây ra do vật sắc nhọn:
Thường xảy ra ở nơi vui chơi do trẻ đùa nghịch xô đẩy nhau, dùng que làm kiếm nghịch, đấu kiếm, chọc nhau. Trẻ vô tình chọc vào mắt gây chấn thương mắt rất nguy hiểm.
5. Tai nạn gây ngạt đường thở:
Do trẻ tự nhét đồ chơi vào mũi, tai mình hoặc nhét vào tai bạn, mũi bạn. Các vật trẻ có thể nhét vào mũi, tai là hạt cườm, con xúc xắc, các loại hạt, quả nhỏ, thậm chí có trường hợp trẻ còn nhét cả đất nặn vào tai. Trẻ còn ngậm đồ chơi vào mồm và có thể gây rách niêm mạc miệng, gãy răng hoặc hít vào gây dị vật đường thở, nuốt vào gây dị vật đường ăn…
6. Tai nạn do bỏng:
Chủ yếu do trẻ sau khi chơi, khát nước uống nhầm vào nước nóng, khi ăn, uống, trẻ cũng có thể bị bỏng do thức ăn (canh, cháo, súp ….) mang từ nhà bếp lên còn đang rất nóng, nếu không chú ý mà ăn, uống ngay sẽ gây bỏng cho trẻ. Có trường hợp trẻ bị bỏng do cháy, hoả hoạn...
7. Tai nạn giao thông:
Đối với trẻ mầm non các tai nạn thương tích chủ yếu do trẻ được đèo bằng xe đạp và bằng xe máy, trẻ mải chơi chạy ra đường.
II. Để phòng tránh tối thiểu các tai nạn thương tích xảy ra giáo viên và các bậc phụ huynh cần có ý thức, thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa sau đây:
1. Phòng ngã:
- Không cho trẻ chơi gần những nơi không an toàn.
- Dụng cụ thể dục thể thao phải chắc chắn, đảm bảo an toàn.
- Đi chơi đúng nơi quy định và thực hiện theo sự hướng dẫn.
- Đồ chơi chắc chắn không sắc nhon, có độ an toàn cao.
- Bồn hoa không có góc cạnh, sân chơi được lát gạch chống trơn.
2. Phòng ngừa tai nạn giao thông
- Nhắc nhở trẻ ở nhà không tự ý đi ra ngoài đường khi không có người lớn đi cùng.
3. Phòng ngừa bỏng
- Bố trí bếp nấu ăn hợp lý, để bếp phẳng, cao ngoài tầm với hoặc có vách ngăn không cho trẻ nhỏ tới gần.
- Không để đồ vật đựng nước nóng trong tầm với trẻ em (nồi canh, phích nước, vòi nước nóng, bàn là đang nóng, ống bô xe máy ...).
- Khi bưng, bê nước nóng, thức ăn mới nấu chín phải chú ý: tránh xa trẻ để không va đụng. Luôn kiểm tra nhiệt độ của thức ăn, đồ uống trước khi cho trẻ ăn, uống, nhiệt độ nước tắm rửa.
- Không để trẻ nhỏ tiếp xúc với diêm, bật lửa, lửa, nước sôi, thức ăn nóng, bếp đang đun...
- Không để trẻ tự tắm với vòi nước nóng lạnh.
- Luôn quan tâm chăm sóc trẻ, không để trẻ chơi một mình ở các nơi có thể xảy ra tai nạn.
4. Phòng ngừa điện giật
- Luôn kiểm tra các đồ dùng bằng điện, các ổ điện luôn để cao từ 1,5m trở lên tránh tầm với của trẻ.
- Hệ thống điện phải an toàn: không để dây trần, dây điện hở.
5. Phòng ngừa ngộ độc
- Phải cách ly hoặc để xa tầm với của trẻ các loại thuốc, hóa chất như thuốc trừ sâu, thuốc chữa bệnh, thuốc tẩy rửa v.v.
- Hướng dẫn và thực hành cho trẻ ăn, uống sạch, không ăn thức ăn lạ, thức ăn ôi thiu, nấm lạ…
- Đồ dùng, thiết bị ăn uống đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành.
- Đảm bảo chất liệu an toàn, vệ sinh sạch sẽ.
6. Phòng tránh ngạt, tắc đường thở cho trẻ em
- Không để trẻ nuốt hoặc nhét các vật gây tắc đường thở vào miệng, mũi.
- Cho trẻ ăn thức ăn đã nghiền nhuyễn, không lẫn xương, lẫn hạt.
- Để ngoài tầm với của trẻ các vật dễ nuốt như đồng xu, kim băng, cúc
áo, hạt trái cây, lạc…
- Không để trẻ nhỏ vừa ăn vừa cười đùa.
- Dạy trẻ không nên chơi trò dùng chăn, gối để chụp lên đầu nhau
7. Phòng ngừa đuối nước
- Xung quanh trường học có hàng rào bảo vệ ngăn bên ngoài kiên cố vững chắc.
- Không cho trẻ ra gần ao hồ, sông suối một mình.
- Bể nước phải có nắp đậy an toàn.
8. Phòng ngừa ngộ độc thức ăn
- Không bán quà bánh trong trường và không ăn hàng rong xung quanh cổng trường.
- Thức ăn, nước uống do nhà bếp cung cấp phải đảm bảo vệ sinh, rõ nguồn gốc. Phải có hợp đồng cam kết mua bán thực phẩm sạch rõ nguồn gốc với công ty cung cấp.
Còn rất nhiều nguy cơ dẫn đến tai nạn thương tích ở trẻ em nhưng cách phòng ngừa hiệu quả nhất là sự quan tâm chú ý của giáo viên và các bậc phụ huynh khi trông trẻ. Chỉ một phút thiếu tập trung có thể dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho trẻ nhỏ.
Vì hạnh phúc trẻ thơ, vì tương lai tốt đẹp của con em chúng ta, mỗi người hãy nâng cao ý thức chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, tạo môi trường an toàn và lành mạnh để trẻ em phát triển toàn diện, góp phần xây dựng một tương lai tươi sáng cho đất nước.