UBND HUYỆN TIÊN LÃNG
TRƯỜNG MN NAM HƯNG
TỔ CHỨC TỐT GIỜ ĂN, GIỜ NGỦ CHO TRẺ Ở TRƯỜNG MẦM NON
Các bậc phụ huynh thân mến! Trong những năm tháng được đồng hành cùng các con khôn lớn, được chăm sóc từ miếng ăn, giấc ngủ cho đến dạy trẻ những kiến thức, kỹ năng,... tôi nhận thấy rằng để trẻ có sức khỏe tốt, phát triển về mọi mặt thì việc chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ cho trẻ là rất quan trọng, nó ảnh lớn đến sự
phát triển của trẻ.
Chắc phụ huynh cũng biết, cơ thể trẻ lứa tuổi mầm non đang trong giai đoạn phát triển rất nhanh, đòi hỏi khẩu phần ăn phải đảm bảo về chất và lượng ngoài ra trẻ phải được ngủ đủ và ngon giấc. Việc tổ chức tốt bữa ăn cho trẻ sẽ góp phần giúp trẻ có sức khỏe tốt, phát triển hài hòa cân đối, phòng chống được bệnh suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì. Giấc ngủ tốt sẽ giúp tinh thần của trẻ được thoải mái, cơ thể được nghỉ ngơi, bù đắp những năng lượng đã mất giúp trẻ hoạt động tích cực và hiệu quả. Là một cô giáo mầm non tôi nhận thấy rằng việc hướng dẫn, tổ chức tốt bữa ăn - giấc ngủ cho trẻ đạt hiệu quả tốt, trẻ ăn ngon miệng, ăn hết xuất và ngủ ngon, đủ giấc thì bản thân giáo viên cũng như cha mẹ trẻ cần làm tốt các công việc sau:
Chuẩn bị bữa ăn: Giờ ăn được tiến hành trong khoảng 60 phút nên giáo viên phải kết hợp nhịp nhàng giữa các công việc từ khâu chuẩn bị ăn đến khâu vệ sinh sau khi ăn. Chuẩn bị: bát, thìa, khăn, cốc cho từng trẻ, Khăn mặt sạch, ẩm, đĩa, khăn ẩm lau tay. Lau mặt, rửa tay, nhắc trẻ đi vệ sinh, một cô giám sát trẻ lau mặt, rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và kết hợp với cô còn lại để chuẩn bị bữa ăn cho trẻ. Sau đó chuẩn bị tiếp khăn, nước để rửa, lau tay cho trẻ sau khi ăn. Nước uống, nước muối súc miệng. Việc chuẩn bị bữa ăn đã tạo điều kiện thuận lợi và tâm thế sẵn sàng cho trẻ vào bữa ăn, trẻ được vệ sinh sạch sẽ, mát mẻ, các đồ dùng phục vụ bữa ăn được chuẩn bị đầy đủ có trang trí vui mắt, hấp dẫn và sinh động, cô giáo cho trẻ ăn phải vệ sinh sạch sẽ, phải toàn tâm, toàn ý vào việc chăm sóc bữa ăn cho trẻ. Trẻ ăn ngon, đủ chất, đẹp, thơm, có độ nhuyễn, độ nóng thích hợp với trẻ. Bữa ăn được chuẩn bị chu đáo sẽ thêm phần hấp dẫn đối với trẻ. Khi chuẩn bị bữa ăn cũng là lúc tạo ra các kích thích để hướng trẻ vào bữa ăn, cũng cần chú ý cho trẻ ăn vào đúng những giờ nhất định để giúp hệ tiêu hóa trẻ tiết dịch và hoạt động tốt, thời gian chuẩn bị cũng chỉ nên từ 5 – 10 phút, không nên để trẻ chờ đợi lâu.
Trẻ rửa tay, rửa mặt trước khi ăn cơm
Chia cơm: Cô giáo cho trẻ ăn phải rửa tay sạch sẽ, quần áo và đầu tóc gọn gàng. Bày bát ra bàn chia cơm sau đó xới cơm rời và cho vào bát, xới bằng muôi non nữa bát cơm và cho thức ăn mặn vào bát.
Hình ảnh cô giáo chia cơm
Cho trẻ vào bàn ăn: Cho trẻ ngồi vào chỗ quy định, xếp trẻ ăn nhanh và ăn chậm ngồi riêng. Đặt giữa bàn một đĩa đựng thức ăn rơi, một đĩa để khăn sạch, ẩm lau tay. Cô đem cơm ra bàn, sau đó giới thiệu tên món ăn, giá trị dinh dưỡng của các món ăn để tạo sự ngon miệng. Các cô giáo luôn nhắc trẻ giữ trật tự trong khi ăn, không đùa nghịch, nói chuyện to, biết nhặt cơm rơi vào đĩa, không để chân lên ghế, không xúc cơm đổ sang bát bạn khác,khuyến khích trẻ tự xúc ăn. Nhắc trẻ mời và cầm thìa bằng tay phải. Cho trẻ mời cô và mời các bạn
Hình ảnh tổ chức cho trẻ ăn
Chăm sóc trẻ trong bữa ăn: Tạo không khí vui vẻ trong bữa ăn qua nét mặt, cử chỉ, lời nói của người chăm sóc cho trẻ ăn. Động viên khuyến khích trẻ ăn. Nếu trẻ ăn chậm cô đến tận nơi động viên để trẻ ăn hết xuất của mình
Ở lứa tuổi nhà trẻ, cô giáo khuyến khích trẻ tự xúc ăn, dù trẻ tự xúc ăn còn rơi vãi, nhiều khi còn dùng cả tay bốc thức ăn. Cô động viên trẻ, dần dần trẻ tự xúc ăn gọn hơn. Cho trẻ tự xúc thức ăn trẻ sẽ rất thích thú với bữa ăn. Cô giáo hướng dẫn cho trẻ cách cầm thìa, cách xúc và phụ giúp với trẻ. Nếu trẻ ngậm thức ăn trong miệng, cô dỗ dành cho trẻ nhai nuốt, có thể bày những trò chơi” thi ăn” để trẻ hào hứng. Đối với trẻ ăn chậm, cô giáo cho trẻ ngồi vào một bàn để cô dễ quan sát, thức ăn lấy vào bát vừa phải, ăn hết rồi lấy tiếp, cô cần chú ý đến trẻ ăn chậm nhiều hơn và thỉnh thoảng xúc cho trẻ. Cũng nên chú ý tối đa, không nên la mắng, dọa, thậm chí đánh trẻ, điều này sẽ làm cho trẻ sợ bữa ăn, ăn không ngon miệng, dần dần dễ trở thành biếng ăn. Đối với trẻ xúc chưa thạo, ăn chậm hoặc biếng ăn, cô có thể giúp trẻ xúc và động viên trẻ ăn khẩn trương hơn. Có biện pháp phòng tránh hóc, sặc trong khi trẻ ăn.
Kết thúc bữa ăn: Sau khi trẻ ăn xong , cho trẻ lau miệng, uống nước, xúc miệng nước muối. Hướng dẫn trẻ thu dọn bàn ghế, xếp bát, thìa vào nơi quy định. Sau bữa ăn cho trẻ chơi vận động nhẹ nhàng và sau đó đi vào chỗ ngủ.
Chăm sóc giấc ngủ cho trẻ
Trước khi ngủ: Cô nhắc nhở trẻ đi vệ sinh. Hướng dẫn trẻ tự lấy gối, chăn… Bố trí chỗ ngủ cho trẻ sạch sẽ, yên tĩnh, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Phòng ngủ nên giảm ánh sáng bằng cách đóng bớt một số cửa sổ hoặc tắt bớt điện. - Cho trẻ nằm theo tổ hoặc nam một dãy, nữ một dãy để cô dễ bao quát trẻ. Khi đã ổn định chỗ ngủ, cô có thể hát hoặc cho trẻ nghe những bài hát ru, dân ca để trẻ dễ đi vào giấc ngủ. Với những cháu khó ngủ, cô gần gũi, vỗ về cho trẻ yên tâm vào giấc ngủ.
Trong khi ngủ:Trong thời gian trẻ ngủ cô phải thường xuyên có mặt để theo dõi lúc trẻ ngủ, sửa lại tư thế để trẻ ngủ thoải mái, không để trẻ úp mặt vào gối hoặc trùm chăn kín
Hình ảnh tổ chức giấc ngủ cho trẻ
Mùa hè nếu dùng quạt điện, chú ý vặn tốc độ vừa phải. Cho phép trẻ đi vệ sinh trong khi ngủ khi trẻ có nhu cầu. Phát hiện kịp thời và xử lý tình huống có thể xảy ra trong khi ngủ.
Sau khi trẻ ngủ dậy: Do nhu cầu ngủ của mỗi trẻ cũng khác nhau nên đến cuối thời gian ngủ, nếu có trẻ còn ngủ thì không được trẻ đánh thức trẻ dậy đồng loạt (trẻ nào thức giấc trước cô cho dậy trước), tránh tình trạng dậy đồng loạt một lúc ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ và sinh hoạt của lớp. Không nên đánh thức trẻ dậy đột ngột dễ gây cho trẻ cáu kỉnh, mệt mỏi.
Tôi tin rằng nếu làm tốt việc tổ chức giờ ăn – ngủ cho trẻ sẽ giúp các con có sức khỏe tốt, trẻ sẽ ít bị ốm, tăng cân và phát triển tốt. Nhìn các con khôn lớn từng ngày là niềm hạnh phúc bình dị, đong đầy tình yêu thương của các cô. Bên cạnh đó, sự thấu hiểu, đồng hành, quan tâm của phụ huynh sẽ giúp các cô làm tốt công việc chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ. Các bậc phụ huynh ạ! Hãy đừng ngần ngại khi đưa trẻ đến trường gửi cho chúng tôi. Chúng tôi luôn tự hào mình là một giáo viên, chúng tôi có những phẩm chất đạo đức mà người giáo viên nên có. Nhưng ngoài nó ra chúng tôi còn có một thứ khác quý giá hơn đó là “tình mẹ”. Chúng tôi xem trẻ như con mình mà thương yêu chăm sóc, dạy dỗ.
Tác giả
Nguyễn Thị Duyên